Khổ qua hay còn gọi là mướp
đắng (danh pháp hai phần: Momordica charantia) là một cây
leo mọc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc họ Bầu bí, có quả ăn
được, thuộc loại đắng nhất trong các loại rau quả.
Tên gọi trong tiếng Anh của
khổ qua là bitter melon hay bitter gourd
1. Thời vụ:
Có thể trồng được quanh năm.
Vụ mùa nắng cây ít bệnh và cho năng suất cao hơn vụ mưa.
2. Chuẩn bị đất:
Đất trồng tốt nhất là đất
thịt nhẹ, cát pha, phù sa ven sông, giàu mùn và chất dinh dưỡng, dễ tưới, thoát
nước tốt. Vùng trồng phải tuyệt đối không chịu ảnh hưởng của các tác nhân gây ô
nhiễm: Nước thải thành phố, nước thải bệnh viện, nước thải công nghiệp, bụi
công nghiệp…
Đất được cày ải, sạch cỏ dại,
bừa nhỏ vừa phải, lên luống rộng 1 – 1,2m, cao 25 – 30cm, rãnh rộng 25 – 30cm.
Trồng 1 hàng trên luống, cây cách cây 45 – 50cm.
Mật độ: 3.000 – 5.000cây/ha
3. Giống:
Có thể sử dụng của các công
ty giống trên địa bàn thành phố. Đối với khổ qua, có nhiều giống tên gọi khác
nhau tuy nhiên chúng thuộc 2 nhóm đó là nhóm trái lớn và nhóm trái nhỏ.
Hạt giống: Có thể gieo trực
tiếp trên các liếp đã chuẩn bị xong hoặc gieo vào khay.
Nếu sử dụng khay chúng ta nên
dùng khay 72 lỗ là tốt nhất. Giá thể cho vào khay gồm đất sạch 1/3 + phân
chuồng hoai mục 1/3 + tro trấu hoặc xơ dừa 1/3. Trộn đều giá thể và trộn thêm
1% phân super lân sau đó dùng các loại thuốc trị bệnh chết cây, lở cổ rể tưới
vào giá thể ủ kín 2 – 3 ngày rồi cho vào khay gieo.
Hạt có thể gieo trực tiếp
xuống đất, rồi phủ đất có trộn phân chuồng. Không nên gieo quá sâu (khoảng
1,5cm) và chỉ tưới vừa ẩm cho hạt mọc. Mỗi hốc gieo 1-2 hạt.
Khi gieo hạt, đặt đầu nhọn
xuống dưới. Phủ lưới sau khi gieo để không làm trôi hạt khi tưới nước. Hạt nên
được xử lý bằng nước ấm trước và thuốc bệnh ủ hạt nứt nanh rồi gieo, cách này
ít tốn hạt và ít làm hư hạt nhưng sau khi cấy phải tưới đủ ẩm cho cây phát
triển nhanh. Cách ủ hạt như sau: Hạt giống ngâm vào nước 2 sôi – 3 lạnh (khoảng
540C) trong 2 – 3 giờ. Sau đó rửa sạch nhớt trên vỏ hạt, ngâm vào các dung dịch
thuốc trị bệnh nồng độ 0,1% từ 10 – 15 phút, Vớt hạt ra để ráo cho vào khăn vải
ẩm bọc lại ủ hạt, nếu trời lạnh có thể để dưới bóng đèn vàng cho hạt mau mọc.
Hằng ngày thăm xem bọc vải có đủ ẩm không, nếu khô thì rưới nước vào nhưng
tránh quá ẩm, hạt sẽ khó mọc. Khoảng 2 ngày, hạt sẽ lú rễ mầm thì đem gieo
ngay, nếu để rễ dài đem gieo rễ sẽ bị gẫy. Cách này cần chú ý, sau khi gieo cần
duy trì nước tưới đầy đủ cho hạt mọc, nên tưới ướt đẫm đất trước khi gieo
để không làm hư rễ mầm.
Nếu gieo trong khay thì khi
hạt có 1 – 2 lá thật thì đem trồng. Nên gieo phòng 5% lượng cây định trồng để
trồng dặm.
4. Phân bón:
* Lượng phân bón cho 1 ha:
Phân chuồng hoai: 30tấn, phân
Supe lân/lân vi sinh:
200 – 300kg, Phân NPK các
loại: 200 kg, phân Urê: 100kg, phân Kali: 80kg
* Cách bón:
- Bón lót:
Bón toàn bộ phân chuồng phân
lân, 1/4 lượng phân NPK. Bón lúc lên liếp, phân được trộn vùi trong đất sau đó
phủ bạt kín lại.
- Bón thúc:
Có thể chia đều lượng phân
nhiều lần bón từ 5 – 7 lần tùy theo mùa vụ và chân đất (mùa mưa và chân đất
thịt nhẹ: bón nhiều lần). Nên bón vùi phân vào đất để phân không bị bốc hơi,
rửa trôi.
Giữa các lần bón thúc và
trong thời gian thu hoạch có thể phun thêm phân bón lá. Có thể sử dụng phân bón
lá theo nồng độ ghi trên nhãn.
5. Chăm sóc:
- Trồng dặm:
Sau khi trồng 5 – 7 ngày, kiểm tra ruộng và dặm những cây chết vào buổi chiều
mát, trồng xong tưới nước ngay để tránh cây bị héo.
- Tưới nước:
Khổ qua rất cần nước để sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao nên chú ý
cung cấp đủ nước cho cây suốt thời gian sinh trưởng nhưng tránh để ngập úng.
Tưới rãnh hoặc tưới có hệ thống tưới nhỏ giọt và có màng phủ nông nghiệp có thể
3 – 5 ngày tưới một lần, tùy mùa vụ.
- Làm giàn:
Khi cây bắt đầu xuất hiện tua cuốn thì làm giàn, có thể tranh thủ làm giàn
trước khi cây xuất hiện tua cuốn. Làm giàn hình chữ U ngược cao tối thiểu 2m,
vật liệu làm giàn phải chắc để không đỗ ngã khi gió bão, sẽ làm giảm năng suất.
- Sửa dây:
Khi dây leo lên giàn, cần sửa dây phân bố đều, tỉa bỏ những nhánh gốc, nhánh
nhỏ, nhánh sâu bệnh cho ruộng được thông thoáng góp phần làm giảm sâu bệnh và
tăng đậu trái.
Kết hợp sửa dây với tỉa nhánh
gốc và nhánh nhỏ, lá già, sâu bệnh giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái.
- Làm cỏ kết hợp với các lần
bón phân.
6. Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu đất, tuyến trùng: Xử lý
đất trước khi trồng bằng
Regent 0.3G lên hốc gieo,
hoặc sau khi cấy rãi quanh gốc.
- Sâu xanh: Tập kỳ,
Vertimec,…phun khi sâu tuổi còn nhỏ, kết hợp diệt sâu và trứng bằng tay.
- Nhóm chích hút: Bọ trĩ, rầy
xanh, nhện: Actara, Confidor, Oshin,…theo nồng độ khuyến cáo. Tránh để ruộng
quá khô hạn.
- Sâu vẽ bùa: Ofunack,
Trigard… vào lúc sáng sớm
- Bệnh sương mai: Mancozeb,
Carbendazim,…phun sớm khi bệnh vừa mới xuất hiện.
Chú ý: Sử dụng
thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” và có thời gian cách ly an toàn.
7. Thu hoạch:
Khoảng 45 – 50 ngày sau khi
gieo là có thể thu hoạch. Mỗi ngày thu 1 lần, độ lớn trái tùy thị trường và
giống. Nếu chăm sóc tốt, đất trồng tốt, làm giàn cao và đầu tư đúng mức thì
thời gian thu hoạch sẽ kéo dài.
Chúc bà con trồng thành công!
Cẩm nang trồng rau quả
an toàn – Trần Viết Mỹ