.

.
 

Dê là loài động vật ăn tạp, dễ nuôi, khả năng kháng bệnh cao, chính nhờ những đặc tính đó mà một số hộ dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư và thoát nghèo.

Để chăn nuôi dê được ổn định, ngày càng phát triển kinh tế gia đình, bà con cần chú ý nắm vững một số kỹ thuật sau:


 I- CHUỒNG TRẠI CHĂN NUÔI
Nên thiết kế gồm 3 phần như sau:
1. Chuồng trại: chuồng dê có thể là căn nhà hoặc lán trại đơn giản nhưng phải đảm bảo ở nơi khô ráo, sạch sẽ thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Nền chuồng phải phẳng, nhẵn để dễ vệ sinh, có rãnh thoát phân và nước tiểu. Chuồng dê tốt nhất nên làm hướng Đông Nam để mát về mùa hè ấm về mùa đông.
2. Cũi, lồng, chuồng dê: có thể làm bằng tre, gỗ, tầm vong hay tận dụng vật liệu sẵn có. Tất cả đều phải chắc chắn, gọn gàng không để dê chui qua, lọt chân. Sàn chuồng phải cách mặt đất từ 50–80 cm. Chuồng nuôi cần đảm bảo diện tích: Dê đực giống: 1,5 -2 m2, dê thịt 0,6m2.
3. Sân chơi: là phần nền đất, tiếp giáp với chuồng có hàng rào bảo vệ. Khu vực sân chơi phải quang đãng, thoáng mát, có bóng râm, phẳng không đọng nước. Sân chơi thường có diện tích rộng bằng 3 lần diện tích chuồng nuôi.
II. KỸ THUẬT CHỌN GIỐNG
Cũng giống như các loại gia súc khác là phải chọn qua đời trước (ông bà, bố mẹ) kiểm tra cá thể con giống như ngoại hình, khả năng sản xuất, khả năng thích ứng với điều kiện chăn nuôi và chọn lọc qua đời sau của chúng.


a) Chọn giống dê cái:
- Ngoại hình: Chọn những dê có ngoại hình đẹp, mình nở rộng, ngực sâu, thân hình cân đối khỏe mạnh, da mềm, lông bóng. Bầu vú nở rộng, cân đối, núm vú dài và đưa về phía trước có nhiều mạch máu nổi trên bầu vú
- Khả năng sinh sản: Khoảng cách lứa đẻ đều đặn, số con đẻ ra, tỷ lệ nuôi sống cao.
- Khả năng sinh trưởng: chọn những con có chỉ tiêu sinh trưởng cao hơn những con khác trong đàn tại thời điểm sơ sinh, lúc 6 tháng tuổi, lúc phối giống, tuổi đẻ lứa đầu tiên.
b) Chọn giống dê đực:
Chọn những con đực có ngoại hình đẹp, đầu cổ kết hợp hài hòa, thân mình cân đối khỏe mạnh, 4 chân vững chắc, hai dịch hoàn to đều, dáng nhanh nhẹn, tính hăng tốt.
III. KỸ THUẬT CHĂM SÓC NUÔI DƯỠNG
a) Thức ăn cho dê:
Thức ăn cho dê rất đa dạng gồm: các loại cây bụi, cỏ trồng, cỏ mọc tự nhiên, các loại lá cây (so đũa, mít, chuối, sầu đâu, keo dậu, dâm bụt….), phế phẩm nông nghiệp (rơm, thân cây ngô, ngọn mía, dây đậu...), các loại củ quả (khoai lang, bí đỏ, chuối... ), thức ăn tinh, thức ăn khoáng. Thức ăn thô xanh thường chiếm khoảng 55 – 70% khẩu phần ăn của dê.
b) Chăm sóc nuôi dưỡng:
+ Dê con từ sơ sinh đến 10 ngày tuổi.
- Dê con sau đẻ được lau khô, cắt rốn và cho bú sữa đầu ngay. Lưu ý khi cắt rốn phải vuốt sạch máu và cắt cách cuốn rốn 3-4cm.
- Phải giữ ấm cho dê con, không được cho dê con xuống đất tránh tiếp xúc với mầm bệnh.
- Trường hợp dê con sinh ra yếu cần phải hỗ trợ cho dê con bú bình bằng cách vắt sữa đầu cho dê con bú ngày 3-4lần. Nếu dê mẹ không cho con bú thì phải giữ chặt dê mẹ, vắt bỏ tia sữa đầu rồi vắt ít sữa vào miệng cho dê con quen dần sau đó giữ nguyên cho dê con bú no. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi dê mẹ chịu cho bú trực tiếp. Chú ý phải hướng dê con bú đều cả 2 vú.
+ Dê con từ 11  đến 45 ngày tuổi.
- Trường hợp nuôi dê cao sản (trên 1lít sữa/ngày): nên tách dê con khỏi dê mẹ để vắt sữa, thường vắt sữa 02 lần/ngày lúc sáng và chiều tối. Sau mỗi lần vắt nên cho dê con bú để khai thác hết sữa mẹ, sau đó tuỳ lượng sữa dê con bú được mà cho bú bình thêm 300-350ml ngày 2-3lần. Tổng lượng sữa dê con bú được từ mẹ là 450-600ml/ngày.
- Đối với chăn nuôi hộ gia đình và dê cho sữa dưới 1lít/ngày thì tách mẹ vào ban đêm (từ 5giờ chiều hôm trước đến 6giờ 30 sáng hôm sau). Dê mẹ được vắt sữa 1 lần/ngày vào buổi sáng sau đó cho dê con theo mẹ cả ngày và không cần cho bú bình thêm
- Từ ngày thứ 11 cần tập cho dê con ăn những thức ăn dễ tiêu như: chuối chín, bột bắp, bột đậu nành rang và đặc biệt là các loại lá non, cỏ non khô ráo sạch sẽ.
+ Giai đoạn 46 – 90 ngày tuổi.
Cho dê ăn từ 50 – 100g thức ăn tinh, lượng thức ăn tăng dần cho đến khi dê con tự ăn và không cần sữa mẹ. Cần cung cấp đủ nước uống sạch cho dê con.
+ Chăm sóc nuôi dưỡng dê hậu bị:
- Chọn những con dê cái, dê đực có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát dục tốt chuyển sang nuôi hậu bị. Dê hậu bị được nuôi theo khẩu phần quy định để tăng khả năng sinh trưởng phát triển. Cho ăn đầy đủ thức ăn thô xanh.
- Cung cấp đủ nước sạch, tăng cường cho dê vận động, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, sân chơi, máng ăn, uống sạch sẽ.
+ Chăm sóc nuôi dưỡng dê cái sinh sản.
- Chu kỳ động dục của dê là 21 ngày (dao động 18 – 23 ngày) thời gian mang thai biến động 145 – 157 ngày, phải chuẩn bị dụng cụ đỡ đẻ cho dê trước khi sinh 5 – 7 ngày.
- Khi có chửa, nhu cầu dinh dưỡng của dê tăng dần và cao nhất là 2 tháng cuối, vì vậy phải đảm bảo đủ số lượng và chất lượng thức ăn để dê nuôi thai tốt.
- Dê chửa ở giai đoạn cuối không nên chăn thả xa chuồng và tuyệt đối không được nhốt chung với dê đực.
- Đối với dê chửa lần đầu cần xoa bóp nhẹ đầu vú để kích thích tuyến sữa phát triển.
+ Chăm sóc dê đẻ.
- Dê sắp đẻ nên nhốt riêng từng con ở những chuồng cao ráo, ấm áp.
- Chuẩn bị cũi, ổ nằm cho dê con và dụng cụ đỡ đẻ. Bố trí người trực đỡ đẻ cho dê.
IV. BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH
- Theo dõi sức khoẻ đàn dê hàng ngày, không cho dê ăn thức ăn ướt, dính nước mưa, bùn đất. Cho dê uống nước sạch có bổ sung thêm một ít muối.
- Vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, sân chơi, máng ăn, uống hàng ngày, tiêu độc sát trùng chuồng trại chăn nuôi 2 tuần/lần.
- Hàng ngày trước khi chăn thả và sau khi về chuồng phải kiểm tra từng con nhằm phát hiện những con bỏ ăn, đau ốm, loét miệng, chướng hơi đầy bụng để kịp thời điều trị.
- Tách riêng những con bệnh với con khỏe để theo dõi và tránh lây lan trong đàn.
- Định kỳ tẩy giun sán và tiêm phòng các loại vaccin để phòng bệnh truyền nhiễm cho dê như: lở mồm long móng, đậu, tụ huyết trùng…
Chúc bà con chăn nuôi thành công !

Lê Thị Thảo


 
Top