.

.
 


KỸ THUẬT NUÔI CUA ĐỒNG
           
ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC
Phân bố
- Cua đồng sống ở các thuỷ vực nước ngọt: ao, hồ, ruộng, sông, suối vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Cua bò trên đáy và đào hang để sống hay chui rúc vào gốc cây, bụi rậm và có khả năng bò lên cạn và di chuyển rất xa.
Dinh dưỡng
- Cua đồng ăn tạp như tấm cám, lúa, rong, giáp xác, ốc, cá hay ngay cả xác chết động vật. Có tập tính trú ẩn vào ban ngày và kiếm ăn vào ban đêm. Nhu cầu thức ăn của chúng khá lớn nhưng chúng có khả năng nhịn đói 10 -15 ngày.
Cảm giác, vận động và tự vệ
- Cua có đôi mắt kép rất phát triển có khả năng phát hiện mồi hay kẻ thù từ bốn phía và hoạt động mạnh về đêm. Khứu giác cũng rất phát triển giúp chúng phát hiện mồi từ xa. Cua di chuyển theo lối bò ngang. Khi phát hiện kẻ thù, cua lẩn trốn vào hang hay tự vệ bằng đôi càng to và khỏe.
Lột xác và tái sinh
- Quá trình phát triển cua trãi qua nhiều lần lột xác để lớn lên. Đặc biệt, trong quá trình lột xác cua có thể tái sinh lại những phần đã mất như chân, càng… Cua thiếu bộ phận phụ hay bộ phận phụ bị tổn thương thường có khuynh hướng lột xác sớm hơn nên có thể ứng dụng đặc điểm này vào trong kỹ thuật nuôi cua lột.
Sinh trưởng của cua
- Tuổi thọ trung bình của cua từ 1-2 năm qua mỗi lần lột xác, trọng lượng cua tăng trung bình 20-50%.
- Cua đực khác cua cái ở hình thái của phần bụng (thường gọi là yếm). Trứng cua nằm ở dưới yếm và nở thành cua con.
- Cua cái có 4 đôi chân bụng, cua đực có 2 đôi chân bụng biến thành chân giao cấu.





KỸ THUẬT NUÔI CUA ĐỒNG THƯƠNG PHẨM
- Chọn vị trí và xây dựng
- Nuôi Ao
- Để trong quá trình nuôi cua thuận lợi, đạt kết quả tốt cần chọn địa điểm như sau:
- Nguồn nước cấp, thoát chủ động; nền đáy ao, hồ nên là loại đất thịt pha sét hay cát, không quá nhiều bùn nhão (lớp bùn không quá 20cm); đất và nước ít bị nhiễm phèn, pH nước từ 6. 5-8. 5 và nhiệt độ từ 28-320C.
- Giao thông đi lại thuận lợi, tránh được lũ quét, an ninh đảm bảo. . . . .
- Ao nuôi nên có diện tích từ 1. 000-2. 000m2, độ sâu 0. 8-1. 2 m với bờ bao chắc chắn. Xung quanh bờ phải rào kỹ bằng đăng tre, tấm nhựa, lưới cước, tấm nhựa hoặc Brôximăng. . . và đặt hơi nghiêng vào ao sao cho cua không thoát ra được. - Ao có cống cấp và thoát để thuận tiện cấp thoát nước cho ao, trước cống nên có 2 lớp đăng tre hay lưới chắn cẩn thận, lớp ngoài nên đăng theo hình chữ V.
- Trong ao nên cấm chà, có bãi đất nổi, bãi cỏ làm nơi trú ngụ cho cua khi lột xác tránh hao hụt do chúng ăn lẫn nhau.
- Ruộng lúa
- Chọn ruộng có diện tích khoảng 0. 5-1 ha, địa thế bằng phẳng. Cách rào chắn giống như nuôi cua trong ao. Tuy nhiên, nên đào nhiều mương dọc ngang trong ruộng để cua trú ẩn. Mương nuôi nên rộng từ 1. 5-2m và sâu 0. 8-1m. Diện tích mương bao chiếm khoảng 15 - 20% diện tích ruộng.
- Các cửa cống cấp thoát nước phải chắn bằng đăng tre hoặc lưới thích hợp, nền cống phải đầm chặt. Trong ruộng nên cắm chà làm nơi trú ngụ cho cua khi lột xác tránh hao hụt do chúng ăn lẫn nhau.
- Hoặc nuôi đăng quầng trên ruộng theo địa hình cụ thể từng nơi, có thể theo hình vuông hay hình chữ nhật. Diện tích 0,5-1ha, mức nước sâu từ 0,8-1m. Chân lưới cắm sâu xuống bùn 30-50cm, mép trên của lưới có tấm nilon. . . . cao 50cm để cua không bò trốn. Mức nước sâu nên duy trì 0,8-1m.
Cải tạo ao, ruộng nuôi
- Trước khi nuôi 1-2 tuần, tiến hành chuẩn bị ao, ruộng nuôi: tát cạn nước để diệt các địch hại của cua, bón vôi 7 – 10kg/100m2. Sau đó lấy nước sạch vào rữa sạch rồi tiến hành lấy nước vào ao, ruộng nuôi.
- Ruộng nuôi cua không nên gieo lúa quá dày để tạo những khoảng trống cho cua di chuyển và tìm thức ăn được thuận lợi, trồng lúa kháng bệnh, thân lá cứng, không bị đổ ngã.
- Ở ao nuôi nên tạo các cồn đất cho cua làm hang, thả thêm bèo, các giá thể để cua trú ẩn tạo điều kiện thuận lợi khi cua lột xác.
Chọn giống và mật độ thả
- Chọn giống
- Nguồn giống hiện nay được thu gom từ tự nhiên nên việc thu mua con giống đảm bảo chất lượng để nuôi cần chọn một số tiêu chí như:
- Con giống khoẻ phản ứng nhanh, kích cở đồng đều, còn đầy đủ càng và chân, màu sắc tươi sáng, không bị đóng rong, có thể chọn những con cua đực nuôi để tăng năng suất và giá trị thương phẩm.
- Khi nuôi cua trong ruộng lúa, có thể nuôi theo dạng luân canh vào mùa nước nổi hoặc nuôi xen canh. Nuôi xen canh cần thả giống vào mương bao nuôi tạm trước khi lúa đã tốt thì tăng nước lên ruộng để cua lên ruộng tìm thức ăn.
Mật độ và thời gian thả giống
- Tùy theo điều kiện chăm sóc, quản lý để thả nuôi với mật độ thích hợp. Thông thường mật độ thả nuôi từ 10-30con/m2. Thả giống vào khoảng tháng 01- T4 dương dịch, nhưng tùy theo điều kiện của từng vùng có thể thả vào lúc làm đất gieo lúa để dễ dàng thu mua con giống. Thời gian thả thích hợp nhất là vào lúc trời mát và thả trên mé bờ để cua tự bò xuống nước.
Chăm sóc và quản lý
- Cua đồng là loài ăn tạp thiên về động vật. Về cơ cấu thành phần thức ăn nuôi cua nên thực hiện nguyên tắc vừa thoả mãn nhu cầu dinh dưỡng của cua vừa phải giảm giá thành, tìm nhiều cách giải quyết thức ăn nuôi cua.
Thức ăn cho cua thịt rất đa dạng bao gồm: Cá tạp, tôm, còng, ốc, khoai lang, sắn băm nhỏ, phụ phẩm lò mổ. . . Nên dùng loại thức ăn chế biến, loại đã chế biến thành hạt vừa có chất lượng dinh dưỡng cao, vừa không gây ô nhiễm môi trường.
- Tỷ lệ cho ăn khoảng 5-8% trọng lượng cua và được chia làm hai lần trong ngày, buổi sáng cho ăn 6-8h lượng thức ăn 20- 40%, chiều từ 5- 6h giờ cho ăn 60- 80% tổng lượng thức ăn hàng ngày.
- Thức ăn phải còn tươi, không sử dụng thức ăn đã bị mốc hoặc ôi thiu.
- Dùng sàng để kiểm tra thức ăn, cứ 1. 000m2 bố trí từ 5 - 7 sàng ăn ở chổ cố định để kiểm tra. Thức ăn được rải đều trên ao, ruộng.
- Tùy theo điều kiện thời tiết, sức ăn của cua để điều chỉnh lượng thức ăn hàng ngày cho thích hợp.
- Thường xuyên thay nước cho ao khoảng 30-50% để giữ môi trường trong sạch nếu thấy nước trong ao bị ô nhiễm. Hạn chế sử dụng nông dược khi nuôi cua trong ruộng lúa. Điều chỉnh lượng nước trong ruộng thường xuyên cao từ 15 - 20 cm.
- Có thể bổ sung thêm cỏ, rau muống, bèo, . . . vào ao, ruộng để làm nơi trú ẩn, làm thức ăn bổ sung cho cua và và ổn định môi trường.
- Thường xuyên kiểm tra bờ ao, ruộng để kịp thời khắc phục những lổ hỏng tránh thất thoát do cua bò ra ngoài.
- Định kỳ kiểm tra mương để phát hiện địch hại gây bệnh, dọn dẹp thức ăn thừa, xác cua chết, đảm bảo nước trong sạch.
Thu hoạch
- Sau thời gian nuôi 3-4 tháng cua có thể đạt trọng lượng thương phẩm tiến hành thu hoạch, chọn thời điểm giá cao và thời gian thu hoạch chủ yếu là vào tháng 6-10.
Nếu thu tỉa dùng các dụng cụ lờ, lợp, chà để thu cua lớn trước, cua nhỏ giữ lại nuôi tiếp.
- Nếu thu toàn bộ thì dùng máy bơm, tát cạn rồi bắt bằng tay. /.

Chúc bà con thành công!


 
Top